Saturday, May 2, 2015

Hai loại biến dùng trong C

Trước khi nói đến biến tham chiếu, chúng ta nhắc lại 2 loại biến gặp trong C là:
Biến giá trị dùng để chứa dữ liệu (nguyên, thực, ký tự, ... )
Biến con trỏ dùng để chứa địa chỉ
Các biến này đều được cung cấp bộ nhớ và có địa chỉ. Ví dụ câu lệnh khai báo:
double x , *px; 
sẽ tạo ra biến giá trị kiểu double x và biến con trỏ kiểu double px. Biến x có vùng nhớ 8 byte, biến px có vùng nhớ 4 byte (nếu dùng mô hình Large). Biến x dùng để chứa giá trị kiểu double, ví dụ lệnh gán:
x = 3.14;
sẽ chứa giá trị 3.14 vào biễn x. Biến px dùng để chứa địa chỉ của một biến thực, ví dụ câu lệnh:
px = &x ;
sẽ lưu trữ địa chỉ của biễn x vào con trỏ px.

Biến tham chiếu

Trong C++ cho phép sử dụng loại biến thứ ba là biến tham chiếu. So với 2 loại biến quen biết nói trên, thì biến này có những đặc điểm sau:
+ Biến tham chiếu không được cấp phát bộ nhớ, không có địa chỉ riêng.
+ Nó dùng làm bí danh cho một biến (kiểu giá trị) nào đó và nó sử dụng vùng nhớ của biến này. Ví dụ câu lệnh:
float u, v, &r = u ;
tạo ra các biến thực u, v và biến tham chiếu thực r. Biến r không được cấp phát bộ nhớ, nó là một tên khác (bí danh) của u và nó dùng chung vùng nhớ của biến u.
Thuật ngữ: Khi r là bí danh (alias) của u thì ta nói r tham chiếu đến biến u. Như vậy 2 thuật ngữ trên được hiểu như nhau.
Ý nghĩa: Khi r là bí danh của u thì r dùng chung vùng nhớ của u, dó đó :
+ Trong mọi câu lệnh, viết u hay viết r đều có ý nghĩa như nhau, vì đều truy nhập đến cùng một vùng nhớ.
+ Có thể dùng biến tham chiếu để truy nhập đến một biến kiểu giá trị.
int u, v, &r = u;
r = 10 ; // u=10
cout << u ; // in ra số 10
r++ ; // u = 11
++ u ; // r = 12
cout << r ; // in ra số 12
v = r ; // v=12
& r ; // Cho địa chỉ của u
Công dụng: Biến tham chiếu thường được sử dụng làm đối của hàm để cho phép hàm truy nhập đến các tham số biến trong lời gọi hàm.
a. Vì biến tham chiếu không có địa chỉ riêng, nó chỉ là bí danh của một biến kiểu giá trị nên trong khai báo phải chỉ rõ nó tham chiếu đến biến nào. Ví dụ nếu khai báo:
double &x ;
thì Trình biên dịch sẽ báo lỗi:
Reference variable ‘x’ must be initialized
b. Biến tham chiếu có thể tham chiếu đến một phần tử mảng, ví dụ:
int a[10] , &r = a[5];
r = 25 ; // a[5] = 25
c. Không cho phép khai báo mảng tham chiếu
d. Biến tham chiếu có thể tham chiếu đến một hằng. Khi đó nó sẽ sử dụng vùng nhớ của hằng và nó có thể làm thay đổi giá trị chứa trong vùng nhớ này.

Nếu khai báo:
int &s = 23 ;
thì Trình biên dịch đưa ra cảnh báo (warning):
Temporary used to initialize 's'
Tuy nhiên chương trình vẫn làm việc. Các câu lệnh dưới đây vẫn thực hiện và cho kết quả như sau:
s++;
cout << "\ns= " << s; // In ra s=24 
Chương trình dưới đây minh hoạ cách dùng biến tham chiếu đến một phần tử mảng cấu trúc để nhập dữ liệu và thực hiện các phép tính trên các trường của phần tử mảng cấu trúc.
#include <iostream.h>
#include <conio.h>
struct TS
{
char ht[25];
float t,l,h,td;
} ;
void main()
{
TS ts[10],&h=ts[1]; // h tham chiếu đến ts[1]
cout << "\n Ho ten: " ;
cin.get(h.ht,25) ;
cout << "Cac diem toan, ly, hoa: ";
cin >> h.t >> h.l >> h.h ;
h.td = h.t + h.l + h.h ;
cout << "\n Ho ten: " << ts[1].ht;
cout << "\n Tong diem: " << ts[1].td;
getch();
}

Hằng tham chiếu (const)

Hằng tham chiếu được khai báo theo mẫu:
int n = 10 ;
const int &r = n;
Cũng giống như biến tham chiếu, hằng tham chiếu có thể tham chiếu đến một biến hoặc một hằng.
int n = 10 ;
const int &r = n ; // Hằng tham chiếu r tham chiếu đến biến n
const int &s=123 ; //Hằng tham chiếu s tham chiếu đến hằng 123
Sự khác nhau giữa biến và hằng tham chiếu ở chỗ: Không cho phép dùng hằng tham chiếu để làm thay đổi giá trị của vùng nhớ mà nó tham chiếu.
int y = 12, z ;
const int &py=y; // Hằng tham chiếu py tham chiếu đến biến y
y++; // Đúng 
z = 2*py ; // Đúng z = 26
cout << y <<" "<< py; // In ra: 13 13 
py=py+1; // Sai, Trình biên dịch thông báo lỗi:
// Cannot modify a const object
Cách dùng: Hằng tham chiếu cho phép sử dụng giá trị chứa trong một vùng nhớ, nhưng không cho phép thay đổi giá trị này.
Hằng tham chiếu thường được sử dụng làm đối của hàm để cho phép hàm sử dụng giá trị của các tham số trong lời gọi hàm, nhưng tránh không làm thay đổi giá trị của các tham số.

Reference from https://voer.edu.vn/m/bien-tham-chieu-reference-variable/b1cd20ac
Xem thêm tại đây.



Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

- Copyright © Lập trình hệ thống nhúng Linux . Powered by Luong Duy Ninh -